Chất ô nhiễm khó phân hủy là chất ô nhiễm có độc tính cao, khó phân hủy, có khả năng tích lũy sinh học và lan truyền trong môi trường, tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người. Chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (gọi tắt là chất POP) là chất ô nhiễm khó phân hủy được quy định tại Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (gọi tắt là Công ước Stockholm). Công ước Stockholm được các quốc gia ký kết và phê chuẩn thực hiện nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe con người, đa dạng sinh học và môi trường sống trước những nguy cơ, rủi ro do các chất POP gây ra. Bên cạnh đó, Công ước Stockholm quy định việc ngừng sản xuất, cấm sử dụng, hạn chế sử dụng và tiến tới tiêu hủy hoàn toàn một số chất POP do con người tạo ra, đồng thời thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm thiểu liên tục sự phát sinh không chủ định các chất POP từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dân sinh hoặc xử lý chất thải. Hiện nay, Việt Nam đang triển khai nhiều hoạt động thực hiện Công ước Stockholm như xây dựng quy định, chính sách, thể chế về quản lý hóa chất bảo vệ thực vật, khắc phục ô nhiễm, ...; tăng cường năng lực phòng thí nghiệm được công nhận về chất lượng phân tích POP, ...; kiểm kê đánh giá hiện trạng hóa chất bảo vệ thực vật, ...; phát triển cơ sở hạ tầng xử lý ô nhiễm POP (nghiên cứu và đánh giá công nghệ, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ xử lý ô nhiễm POP, ...); nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý, sử dụng POP. |